Nằm bên bờ sông Đuống, huyện Thuận Thành không chỉ là mảnh đất giầu truyền thống, văn hiến, cách mạng mà nơi đây còn nổi danh khắp vùng Kinh Bắc về thú chơi cờ tướng. Hàng năm, trong các lễ hội ở các địa phương nơi đây thường tổ chức giao lưu, thi đấu môn thể thao trí tuệ cờ tướng. Cũng từ đó, phong trào cờ tướng ở Thuận Thành trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống và ngày càng lan tỏa, sâu rộng.
Cờ tướng chưa rõ nguồn gốc xuất phát từ đâu, nhưng ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ (Thuận Thành) các bậc cao niên trong làng vẫn nhắc mãi câu chuyện một cao thủ của làng chiến thắng một cao cờ là lái buôn người Tàu vào thời Lê. Chuyện kể rằng tay lái buôn Tàu cắm thuyền bên sông Đuống thách đấu. Vốn cao cờ lại giàu có, hắn sắm bộ quân cờ ngà voi. Nhiều kỳ thủ tài ba trong vùng đã bại dưới tay hắn. Có một cụ già kiên trì dõi theo, nghiên cứu các ván đấu. Một hôm cụ nhận lời đấu với hắn. Cụ nói: “Tiên sinh là cao nhân nhưng tôi cứ chấp tiên sinh hẳn một xe”. Nói xong cụ cầm quân xe ném xuống dòng sông. Tay lái buôn Tàu suốt cả ván đấu bị phân tâm không biết cụ già cao cờ đến mức nào, mặt khác lại tiếc quân cờ quý, khiến hắn không thể tập trung. Cuối cùng tay lái buôn người Tàu đành nhổ neo chịu thua. Cũng từ đấy, mảnh đất Thuận Thành đã sản sinh ra nhiều kỳ thủ xuất sắc, ví như: Cụ Nguyễn Trọng Bê, làng Nghi Khúc (An Bình), cụ giáo Quát ở làng Phú Mỹ (Đình Tổ), cụ Nguyễn Quang Hào (Lạc Thổ, thị trấn Hồ)…
Ngày nay, bắt đầu mùa Xuân, mảnh đất Thuận Thành lại rộn vang tiếng trống hội cờ giục giã trên khắp các làng quê. Năm tháng đi qua, hội cờ trở thành nét sinh hoạt văn hóa, thể thao, dân gian đặc sắc. Một số hội cờ thời xưa còn được lưu truyền đến ngày nay như: Cờ ruộng làng Nghi Khúc (An Bình) 4-2 (âm lịch); cờ bỏi làng Lạc Thổ 9-2 (âm lịch); cờ người làng Bình Ngô, cờ Bút Tháp 24-3 (âm lịch)… hội tụ rất nhiều anh tài khắp mọi nơi tham gia như: Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hải Dương, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh… về đây tranh tài, thử sức.
Bên cạnh cờ hội diễn ra ở các hội làng, thì phong trào chơi cờ tướng ở huyện Thuận Thành cũng diễn ra thường xuyên, liên tục ở các câu lạc bộ (CLB) cờ tướng trong huyện. Trong đó, đi đầu là CLB cờ An Bình được thành lập từ năm 2001. Đến nay, CLB cờ An Bình có 42 hội viên. Không chỉ là sân chơi bổ ích cho người trung, cao niên, mà CLB cờ An Bình còn thường xuyên chăm lo, rèn luyện, truyền nhiệt huyết, niềm đam mê cho các thế hệ trẻ. Mỗi năm CLB bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng chơi cờ cho 10 cháu nhỏ. Chơi cờ không chỉ là sân chơi giải trí lành mạnh, mà còn giúp bản thân rèn luyện, tu dưỡng đạo làm người quân tử, nâng cao kỹ năng sống, học tập và sáng tạo. Ông Phạm Thuận Thành, Chủ nhiệm CLB cờ An Bình chia sẻ: “Cờ tướng luôn thu hút nhiều người quan tâm cũng bởi cái hay, cái hấp dẫn của nó. Muốn chơi cờ phải tập trung tư tưởng cao độ, tuyệt đối không bị phân tâm trong suốt thời gian diễn ra ván đấu; ngồi nhìn kỹ bàn cờ, luôn bao quát toàn bộ vị trí thế đứng của mọi quân cờ trên bàn, nếu không dễ tự đi quân vào tử địa dẫn đến thua cờ; am hiểu mọi thế cờ, kiến thức cần thiết cho mọi đấu thủ và rất tốn công học hỏi, nghiên cứu và vận dụng”.
Ông Nguyễn Huy Ngọc, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Thuận Thành cho biết: “Những năm qua, môn thể thao cờ tướng của huyện được phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng. Hàng năm, địa phương luôn duy trì Hội thi Giải cờ tướng. Để đảm bảo giải đấu được thành công, Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện đã thành lập đội ngũ trọng tài chuyên nghiệp, đồng thời thường xuyên tuyên truyền cho các vận động viên ở các CLB nắm rõ Luật thi đấu nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm khi tham gia các giải thi đấu cờ tướng các cấp”.
Thông qua các hội thi, người chơi được rèn giũa, trao đổi kỹ nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh của mình không chỉ ở ván cờ mà còn trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Đây là điều kiện thuận lợi để duy trì, đẩy mạnh phong trào tập luyện bộ môn cờ tướng trên địa bàn Thuận Thành. Tin rằng trong tương lai không xa, cờ tướng Thuận Thành sẽ ngày càng khởi sắc, vươn xa.