Mười danh kỳ phương nam đầu thế kỷ 20

author
19 minutes, 27 seconds Read

Để biết rõ hơn tình hình làng cờ phương Nam, đặc biệt là các danh kỳ của nửa đầu thế kỷ 20, chúng tôi xin giới thiệu 10 nhân vật sáng giá nhất: Nguyễn Văn Ngoan, Nguyễn Thành Hội, Hà Quang Bố, Hứa Văn Hải, Phạm Văn Ngọc, Phạm Văn Sáng, Thái Sanh Bính, Thái Văn Hiệp, Nguyễn Đình Lạc, Lý Anh Mậu

1- NGUYỄN VĂN NGOAN (1900 – 1966)

Nguyễn Văn Ngoan Danh kỳ nổi bật từ đầu thế kỷ 20 trước tiên ở các tỉnh phía nam phải kể Nguyễn Văn Ngoan, tức Ba Quang. Ông vốn là người ở huyện Vũng Liêm thuộc tỉnh Vĩnh Long, nhưng vì gia đình theo “Thiên địa hội”, một tổ chức yêu nước xưa kia chống Pháp nên bị giặc Pháp khủng bố, phải chạy sang trú ngụ ở Gò Công để lánh nạn.

Ông là người đa tài, thuở nhỏ theo học nghề thợ bạc và sớm trở thành một nghệ nhân kim hoàn có tiếng. Ông cũng rất giỏi nghề cầm ca, quen thân với nhiều nghệ sĩ cải lương tên tuổi cùng thời. Và chính vì vậy mà hai người con gái xinh đẹp của ông là cô ba Thanh Loan và cô năm Thanh Hương đều được hướng dẫn đi theo bộ môn nghệ thuật nầy, cả hai đều “nổi danh tài sắc một thời”.

Nguyễn Văn Ngoan biết chơi cờ từ năm lên 8 và sớm nổi tiếng cao cờ khi chưa đến tuổi 20. Thế nhưng phải đợi đến năm 1927, khi lần đầu tiên thành phố Sài Gòn tổ chức giải vô địch cờ tướng thì Nguyễn Văn Ngoan mới chính thức ra mắt công khai với quần hùng trong làng cờ. Tại giải nầy ba Ngoan chiến thắng nhiều tay cờ tên tuổi, đặc biệt trận chung kết, ông đã xuất thần đánh bại nhà vô địch đương thời của Sài Gòn là Đặng Phước Nhuệ, độc chiếm khôi nguyên, khiến tên tuổi của ông vang lừng.

Những năm từ 1925 đến 1935, các danh kỳ Trung Quốc lần lượt sang Sài Gòn, Chợ Lớn, đi giang hồ kiếm sống như Chung Trân (thầy của kỳ vương Trần Tùng Thuận), Tăng Triển Hồng (bố của kỳ vương Tăng Ích Khiêm) và Triệu Khôn (bạn của Tứ đại thiên vương ở Quảng Đông) đều có gặp và kết bạn với ba Quang. Nhờ khiêm tốn học hỏi với những tay cờ bậc thầy nầy mà ba Quang càng tiến bộ. Thế trận “Bình Phong Mã” được “Mai hoa phổ” chỉ dẫn, ba Quang nghiên cứu từ trước rất tường tận, nay được học hỏi trực tiếp thêm các đại cao thủ Trung Quốc nầy, ông càng hiểu sâu hơn. Phương án “khí Mã hãm Xa” trong trận Bình Phong Mã đã được ông nghiên cứu rất kỹ từ đầu những năm 1930, thường được ông sử dụng một cách nhuần nhuyễn, khiến làng cờ đặt tên phương án nầy là “phương án ba Quang”.

Tuy là một tay cờ từng đánh độ nhưng ông là một người đạo đức, luôn trọng nghĩa khinh tài. Trong nhóm “Tam kiệt” gồm Nguyễn Văn Ngoan, Hà Quang Bố và Nguyễn Thành Hội, cũng được coi là nhóm “Đào viên tam kết nghĩa” thì ông được tôn là “anh cả” và ví như Lưu Huyền Đức; còn Hà Quang Bố là Quan Vũ và Nguyễn Thành Hội là Trương Phi.

2- NGUYỄN THÀNH HỘI (1905-1956)

Nguyễn Thành Hội thường được gọi là giáo Hội, nhỏ hơn ba Quang 5 tuổi. Ông vốn là người ở huyện Lấp Vò tỉnh An Giang nhưng vì nhiều năm sống ở Tòa thánh Tây Ninh nên nhiều người lầm tưởng ông là người Tây Ninh. Mặt mày đen đúa và tính tình rất nóng nảy nên làng cờ gọi ông là Trương Phi. Kỳ nghệ của ông so với Hà Quang Bố và Hứa Văn Hải có phần kém hơn một bậc nhưng do ông nhà nghèo, sớm vào đời kiếm sống bằng “nghề đánh độ”, đã từng đi chu du khắp xứ, gặp cao thủ mọi miền nên tên tuổi của ông vang dội cả bắc-trung-nam. Năm 1933 công ty Mỹ An tại Sài Gòn có tổ chức một giải cờ xưng danh là “Vô địch Nam kỳ” có cụ Chưởng lý Hồ Văn Truân đỡ đầu. Nguyễn Thành Hội ghi tên tham gia và chơi xuất sắc; đánh bại quần hùng như chẻ tre, vào đến trận chung kết và thắng vẻ vang Nguyễn Văn Khảm (tức bảy Khảm) đoạt chức vô địch rất xứng đáng.
Như đã nêu, do gia đình nghèo, ông coi cờ là phương tiện kiếm sống nên một mình đã “nam chinh, bắc chiến”. Hễ nghe nơi nào có người cao cờ, dù ở chân trời góc biển, xa đến mấy ông cũng tìm đến để thử tài và kiếm tiền. Đã ba lần ra đất bắc kiếm người đánh độ, quen thân với vô địch bắc hà là Đặng Đình Yến, từng gặp và đấu giao hữu với danh thủ Nguyễn Thi Hùng ở Hà nội.

Vì mục tiêu kiếm tiền nên ông “trọng tài hơn trọng nghĩa” và “cầu lợi chứ chẳng cầu danh”. Dù vậy làng cờ miền Nam vẫn kính trọng và coi ông là một bậc tiền bối có nhiều đóng góp quý báu cho làng cờ. Ông đã cùng cao thủ Thái Sanh Bính biên soạn quyển “Việt Nam Tượng kỳ phổ” hướng dẫn cách chơi Pháo đầu phá Đơn Đề Mã, có nhiều điểm sáng tạo đáng khen.

3- HÀ QUANG BỐ (1907-1949)

Hà Quang Bố Hà Quang Bố thường được làng cờ gọi thân mật là giáo Bố. Ông vốn ở huyện Long Mỹ, trước kia thuộc Rạch Giá, sau nầy phân về Cần Thơ nhưng vì ông lập gia đình ở Cà Mau và làm việc tại đây nhiều năm nên mọi người lầm tưởng ông quê quán ở Cà Mau. Theo nhà nghiên cứu Lê Vinh Đường thì Hà Quang Bố có lần nói mình là hậu duệ của người Minh Hương. Nhưng Hà Quang Minh – con trai thứ hai của giáo Bố – cải chính rằng dòng họ Hà nầy thuộc tộc người Việt vì chữ Hà viết có thảo đầu.

Ông nội và cha của Hà Quang Bố đều là những người chơi cờ rất giỏi, vì vậy lúc ông mới lên 10 đã được cha là Hà Quang Vinh hướng dẫn tận tình, do vậy mà ông tiến bộ rất nhanh. Năm 15 tuổi, khắp huyện Long Mỹ không có một tay cờ nào đương cự lại ông.

Năm 1931, vừa tròn 24 tuổi, ông lên Sài Gòn làm kinh lý cho khách sạn Tân Hòa, đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp cờ của ông. Đầu tiên ông đến ga tàu hỏa Sài Gòn khiêu khích và đánh bại tay cao thủ giang hồ Nguyễn Văn Lai, kế tiếp hạ các kỳ bá ở Phú Nhuận, Đa-Kao, Bình Tây, Xóm Củi. Bấy giờ tại bến tắm ngựa gần cầu Kiệu có một danh kỳ người Hoa là Trần Tựu từng đánh ngang ngửa với ba Ngoan khiến làng cờ Sài Gòn rất nể phục. Thế nhưng sau một loạt chiến thắng, hùng tâm nổi lên khiến Hà Quang Bố muốn tìm đến để thử tài và ông đã đánh bại được Trần Tựu. Chính tại đây ông đã gặp ba Ngoan, hai bên lấy bụng “liên tài ái tài” mà kết nghĩa đệ huynh. Hai người thường rủ nhau đi khắp Nam kỳ lục tỉnh tìm cao thủ thử tài và đánh độ, nhờ vậy trình độ và công lực chơi cờ của Hà Quang Bố ngày càng thâm hậu, đánh đâu thắng đó. Năm 1935, danh kỳ Trung Quốc là Triệu Khôn sang Sài Gòn, không gặp ai là đối thủ, đã chấp giáo Bố một nước tiên và Triệu Khôn đã đại bại. Từ đó tiếng tăm giáo Bố càng lẫy lừng hơn.

Mấy năm sau đó, tại giải vô địch “tứ hùng” tuy ông đã bị Hứa Văn Hải đè được nhưng ông mau chóng phục thù bằng trận thắng Hứa Văn Hải 2-0 nên danh dự được phục hồi. Năm 1943, sòng bạc “Đại thế giới” tổ chức giải cờ lớn, giáo Hội đoạt chức vô địch được thưởng một bức trướng rất đẹp. Chưa kịp vui mừng khoe khoang cùng bạn bè thì giáo Bố từ đâu đi tới, đề nghị đấu với giáo Hội một trận danh dự với điều kiện: hễ giáo Hội thắng thì được giáo Bố thưởng 100 đồng (tương đương 5 triệu bạc hiện nay), nhược bằng giáo Hội thua thì giao bức trướng lại cho giáo Bố giữ. Giáo Hội đồng ý và đã thua với tỉ số 1 hòa, 1 bại, bị mất bức trướng. Chuyện nầy đã trở thành một giai thoại trong làng cờ.

Năm 1948, tại Sài Gòn lại tổ chức giải “vô địch Nam kỳ” và Hà Quang Bố đã đoạt chức vô địch nầy một cách xứng đáng. Với những thành tích lẫy lừng đó, khi sòng bạc “Đại thế giới” lập kỳ đài để quần hùng đả lôi đài, thì người ta đã mời giáo Bố và cao thủ Lê Vinh Đường cùng thay phiên nhau thủ đài.

Năm 1949, khi ông vẫn còn phụ trách kỳ đài thì bệnh lao của ông trở nặng và không lâu sau đó một ngôi sao của làng cờ miền Nam đã tắt khi tuổi đời mới được 42.

4- HỨA VĂN HẢI (1918-1944)

Hứa Văn Hải là con của cụ Hứa Văn Nhiệm, người làng Tân Qui tây, trước thuộc Sa Đéc, nay thuộc Đồng Tháp. Theo ông Lê Vinh Đường thì tổ tiên của Hứa Văn Hải là người Hoa thuộc nhóm Phúc Kiến, quê gốc tại Long Khê, Chương Châu. Thuở nhỏ Hải là một cậu bé cực kỳ thông minh, có trí nhớ tuyệt vời. Năm 15 tuổi học cờ cùng bạn là Tạ Khánh Toàn và em là Hứa Văn Tài, chỉ trong vòng một năm, Hải đã đạt trình độ kiện tướng. Những năm Triệu Khôn sang Việt Nam, Hứa Văn Hải có dịp gặp mặt và được Triệu Khôn chỉ dẫn tận tình nhờ đó Hải tiến bộ vượt bực. Người ta kể lại rằng khi Triệu Khôn gặp Hải thì Hải còn là một cậu bé 13-14 tuổi, nhưng tỏ ra có thiên tư về cờ. Triệu thử bày ván cờ thế “Đình Xa vấn lộ” cho Hải phá và Hải đã trổ tài biểu diễn nhiều chiêu rất thông minh khiến Triệu rất vui mừng đẹp dạ nhận Hải làm đệ tử để truyền nghề.

Mấy năm sau đó, Hải đã ôm bàn cờ đi khắp bốn phương đánh cờ cá độ kiếm sống. Trên bước đường chinh phục làng cờ, Hứa Văn Hải lần lượt hạ đo ván các hảo thủ của “Nam kỳ lục tỉnh” và được đông đảo người hâm mộ tôn vinh là “kỳ vương”, oai chấn giang hồ. Năm 1938, được sự giới thiệu của Trương Kim Tài, kỳ vương Hải quen biết với Lê Vinh Đường – người có nhiều tài liệu sách báo thông tin thường xuyên các trận đấu của các cao thủ Quảng Châu và Hồng Kông, nên Hải có cơ hội nắm bắt thông tin và nghiên cứu nhiều thế trận mới, trong lúc mọi kỳ thủ khác không hay biết gì. Trình độ và công lực của Hải nhờ đó càng tiến bộ hơn.

Tết nguyên đán năm Quí Mùi (1943), tại Gò Công có tổ chức một giải cờ lấy tên là “giải vô địch giữa các kỳ vương” chỉ dành riêng cho “tứ hùng” tức là gồm Nguyễn Văn Ngoan, Nguyễn Thành Hội, Hà Quang Bố và Hứa Văn Hải. Gặp phải các cao thủ ngang tài, kỳ vương Hải thi triển thao lược, áp đảo quần hùng đoạt vô địch rất vẻ vang. Tiết trung thu năm đó, sòng bạc “Đại thế giới” tổ chức một giải cờ xưng danh “giải vô địch Nam kỳ”, Hứa Văn Hải tham gia, đánh thắng mọi đối thủ như chẻ tre, đoạt chức vô địch dễ dàng. Người đứng thứ nhì là một người bạn của Hải, đó là danh thủ Phạm Văn Ngọc mà phần sau chúng tôi sẽ giới thiệu.

Vì sức cờ quá cao thâm nên kỳ vương Hải đi đánh độ phải chấp nhiều quân, nhiều nước, và luôn phải lao tâm khổ tứ mới thắng được. Do đó sức khỏe suy kiệt, mắc phải bệnh lao, không có điều kiện chạy chữa, mà thời đó cũng khó chữa trị, vì bệnh được liệt vào một trong “tứ chứng nan y”. Cuối năm 1944, kỳ vương Hải biết mình không qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, đã trở về quê làng ở Tân Qui tây và an nghỉ giấc ngàn thu nơi đây ở tuổi 26, để lại bao thương tiếc cho làng cờ miền Nam. Bình sanh, Hải không muốn truyền dạy hay thu nhận bất cứ ai làm đệ tử, ngay bạn bè thắc mắc nhiều phương án hoặc nước biến muốn hỏi thì Hải cũng không bao giờ thật lòng chỉ dẫn. Phải chăng kỳ vương Hải sợ bị học trò phản lại mình? Dù thế nào, làng cờ vẫn dành cho kỳ vương Hải sự mến thương kính phục nhiều hơn là phê phán.

5- PHẠM VĂN NGỌC (1916 – 1950)

Danh thủ Phạm Văn Ngọc thường được anh em làng cờ gọi thân mật là “anh Tư Ngọc”, quê quán ở làng Thạnh Trị (Gò Công). Ông là bào huynh của danh kỳ Phạm Văn Sáng và là thân sinh của cựu vô địch Sài Gòn là Phạm Tấn Hòa. Thuở nhỏ nhà nghèo, mồ côi cha, học hết bậc tiểu học ông đã phải nghỉ để ra đời kiếm sống. Ông biết chơi cờ từ năm 14 tuổi, lại may mắn quen biết và gần gũi danh kỳ ba Quang là người cùng quê, thường được chỉ giáo nên tài nghệ của ông tiến bộ rất nhanh. Đặc biệt người em của ông lúc nhỏ cũng rất mê cờ, nên ông có điều kiện cùng em nghiên cứu nhiều thế trận phức tạp, kể cả những ván cờ thế nổi danh.

Một bước ngoặt lớn để ông vươn lên hàng cao thủ, đó là năm 1938, cả hai anh em quyết định rời quê làng lên Sài Gòn kiếm sống. Hai ông thuê nhà số 86 đường Hàm Nghi, dựng lên một cửa hiệu cắt tóc làm kế sinh nhai lấy tên là “Đồng Tâm”. Để thu hút khách, hai ông thường bày cờ cho khách chơi trong khi chờ đợi, không ngờ nhiều tay cờ gần xa đến đây tập dượt, giải trí và kết bạn ngày một đông. Từ đó “Đồng Tâm” nghiễm nhiên trở thành một câu lạc bộ cờ nổi tiếng của Sài Gòn, các danh thủ như ba Quang, giáo Hội, giáo Bố và Hứa Văn Hải đều thường xuyên đến chơi. Nhờ vậy Phạm Văn Ngọc nhanh chóng đạt trình độ các danh thủ đầu đàn. Nổi bật nhất là tiết trung thu năm 1943, “Đại thế giới” tổ chức giải vô địch, Hứa Văn Hải đoạt Cúp Quán quân, Phạm Văn Ngọc đoạt Á quân vượt qua bao danh kỳ Việt, Hoa lúc bấy giờ.

Khi Cách mạng Tháng 8 nổ ra, danh thủ Phạm Văn Ngọc gia nhập “đội tuyên truyền giải phóng quân” và sớm thoát ly tham gia chiến đấu. Ông đã mất như một người trung hiếu, để lại bao thương tiếc cho làng cờ.

 

Sưu tầm – Phần 1

Bài viết liên quan