Những nữ kỳ thủ tài hoa của làng cờ Tướng Việt Nam

author
7 minutes, 19 seconds Read

Cờ Tướng là trò chơi nằm trong bốn thú vui tao nhã của người xưa còn tồn tại và phát triển cho đến ngày hôm nay. Đây là bộ môn mang đến cho cuộc sống con người những phút giây giãn trí bổ ích nhất. Cờ Tướng phù hợp với mọi lứa tuổi và là trò chơi trí tuệ được công nhận trên toàn thế giới. Đến nay, cờ Tướng đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt trong lòng người chơi, không chỉ  tham gia  giải trí mà còn ghi danh tên tuổi bằng những giải đấu khác nhau.

Trong làng cờ Tướng Việt Nam, người chơi cờ Tướng đa dạng với nhiều độ tuổi khác nhau. Không chỉ các đấng nam nhi mới là người ghi danh tại bộ môn này, mà nữ giới cũng không hề thua kém. Họ đã tạo nên một dấu ấn cho làng cờ Việt Nam vơi một hình ảnh của phái nữ: dịu dàng, duyên dáng và tài giỏi.

1. Cao Phương Thanh – Tiếng nhạc duyên cờ

Được chị là dân Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật hướng dẫn, Cao Phương Thanh đã làm bạn với piano và organ từ thuở lên 5. Sau đó, cô bé trúng tuyển vào Nhạc viện TPHCM. Những tưởng Phương Thanh sẽ chuyên tâm vào môn nghệ thuật này qua những kết quả khả quan đã giành được: HCV Văn nghệ quần chúng Q.3. Tuy nhiên, nét tài hoa của Phương Thanh không dừng lại trong tiếng nhạc mà cô còn có duyên với cờ Tướng. Lần đầu tiên tham dự HKPĐ TPHCM năm học 2001 – 2002, cô đã giành HCB rồi sau đó vươn lên ngôi  vô địch trong những năm học tiếp theo.

Song song đó, cô còn chiếm HCĐ giải A2 TPHCM (hệ đội tuyển), HCV giải Trẻ toàn quốc, giành suất tham dự giải VĐTQ hạng nhất vào hạ tuần tháng 2 – 2005 tại Quảng Ninh… Thật khó hình dung mật độ làm việc mỗi ngày của Phương Thanh hiện nay: sáng – học lớp 8 tại trường THCS Trần Văn Ơn; chiều – học đàn organ tại Nhạc viện TPHCM và buổi tối đi luyện cờ ở Trung tâm TDTT Quận 1. Căng thẳng như thế nhưng cô bé vẫn hoàn thành tốt đẹp cả 3 công việc trên: học giỏi, chơi đàn hay và là một trong những nữ kỳ thủ trẻ đầy triển vọng của làng cờ Tướng Việt Nam…

2. Nguyễn Hồng Nhung- Nhà thơ kỳ thủ.

“Mỏi mòn quên lối cũ; Đâu rồi nét thân quen; Hơn một lần thảng thốt; Tìm về trong… nhớ… quên….”. Nhiều đồng nghiệp đã tỏ ra ngạc nhiên khi đọc được những dòng thơ này của Nguyễn Hồng Nhung (sinh năm 1979) trên trang Sáng tác Trẻ của Báo Người Hà Nội. Thật ra, Hồng Nhung đã ghi lại những cảm xúc qua những dòng thơ hồi năm 16 tuổi và đến năm 21 tuổi, những chùm thơ tự sự mang một chút sâu lắng vừa nêu mới xuất hiện trên mặt báo.

Thú vị hơn, trước lúc làm thơ, Hồng Nhung đã là VĐV của làng cờ Tướng Hà Nội và từng có mặt tại giải VĐQG năm 1994. Tại giải vô địch toàn quốc năm 2004, Hồng Nhung chiếm vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng. Tuy tốt nghiệp khoa Quản trị doanh nghiệp – Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 2001 và có điều kiện vào làm việc tại các doanh nghiệp nhưng hình như cái chất lãng mạn của nhà thơ đã đưa đẩy Hồng Nhung đi theo con đường mình yêu thích và cô đã trở thành HLV tuyến trẻ Bộ môn cờ của Sở TDTT Hà Nội.

Ở cương vị này, Hồng Nhung cũng góp phần đáng kể vào thành tích của đội tuyển trẻ Thủ đô cũng như chiếc HCV A1 toàn quốc của VĐV Phạm Thu Hà – nhà vô địch nữ trẻ nhất Việt Nam.

3. Đoàn Thị Anh Vũ – Kỳ tình họa ý

Chào đời năm 1977, khi học phổ thông, Anh Vũ mơ ước được vào Đại học Kiến trúc hoặc Mỹ thuật bởi có năng khiếu hội họa. Nhưng không ngờ cô lại là một trong số rất hiếm nữ sinh viên của một ngành được dự báo sẽ rất vất vả khi theo học khoa Địa chất (Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM). Cũng như hầu hết các kỳ thủ, cô làm quen với môn cờ qua những lần theo dõi các cuộc đấu trí của người thân hoặc lối xóm.

Tham dự Hội thao Sinh viên Đại học quốc gia TPHCM năm 1999, Anh Vũ trở thành nhà VĐ đầu tiên của giải và thành tích này được duy trì ở 2 năm học tiếp theo. Theo gợi ý của HLV Hoàng Đình Hồng, cô tham gia tập luyện tại Trung tâm TDTT Q.1 để thi đấu các giải có đẳng cấp cao hơn và đã chiếm HCV Đại hội TDTT TPHCM, hạng 8 giải VĐTQ cá nhân năm 2000, HCV giải A2 TPHCM năm 2001.

Mấy năm qua, Anh Vũ là Chủ nhiệm CLB cờ Đại học Khoa học tự nhiên và là nhà tài trợ của CLB cờ khoa Thương mại & Du lịch Đại học Kinh tế… Giờ đây, sau những giờ tất bật với nhiệm vụ Trưởng phòng Giám định Công ty Vàng bạc đá quý Q.5, cô thường tìm niềm vui qua việc vẽ hoặc ghép tranh bằng đá quý và chưa hề có ý định ngưng thi đấu trong bộ môn cờ Tướng

Trên đây là thành quả rất đáng ghi nhận của phái nữ trong bộ môn cờ Tướng, đánh dấu bước trưởng thành của làng cờ Việt. Cờ Tướng dân gian là trò chơi bổ ích dành cho mọi giới tính khác nhau. Nó mang lại niềm vui,  niềm đam mê cho người chơi và góp phần thực hiện “bình đẳng hóa giới tính”.

Bài viết liên quan