Để tiếp nối các bài viết về danh thủ cờ tướng đất Việt, hôm nay mình xin viết tiếp về cao thủ Trần Quới, một trong “Võ Lâm Tam Sát” chốn Sài Thành xưa. Một thiên tài cờ tướng Việt tuy nhiên đoản mệnh, và còn lại đây mãi mãi một huyền thoại trong giới cờ tướng việt, đặc biệt là “cờ độ giang hồ“.
? Mục lục [ẩn]
1 Thiên tài cờ tướng Trần Quới
1.1 Trần Quới là ai?
1.2 Tài năng bộc phát
1.3 Sự nghiệp
2 Mãi mãi một huyền thoại
2.1 Khẳng định vị trí kỳ thủ số 1 làng cờ Đất Phương Nam
2.2 Bá đạo giang hồ
2.3 Kết nghĩa kim lan
2.4 Tam sát chốn Cờ Độ Sài Thành
2.5 Thiên tài bạc mệnh
3 Những trận cờ để đời
3.1 Video ván cờ hay
3.2 Kịch chiến Trần Quới vs Trềnh A Sáng
Thiên tài cờ tướng Trần Quới
Nhắc đến cờ độ giang hồ, không thể bỏ qua nhóm “Giang hồ Tam Ác”. Trước khi lập nhóm, cả ba đã “đụng” nhau nẩy lửa bằng cách nào đó mà về sau họ đã lập nên nhóm giang hồ tam ác huyền thoại.Trong cờ độ giang hồ ngày nay vẫn tồn tại một giai thoại về Võ Lâm Tam sát, đứng đầu Nhất Sát – Lê Thiên Vị, Nhị Sát – Lê Nhị Trí và cuối cùng là Tam Sát – Trần Quới. Họ là những cao thủ cờ tướng trong giới giang hồ cờ độ xưa. Cuộc sống của Trần Quới lại không hoàn toàn là một màu xanh hay màu hồng giống như bao người đã nghĩ.
Trần Quới là ai?
Danh thủ Trần Quới sinh năm 1957 tại Sài gòn. Cha là kỳ thủ Trần anh Minh – một tay cờ người Hoa khét tiếng hồi thập niên 50 của thế kỷ 20 (thường được gọi là Lác) cũng là một cao thủ cờ độ Sài gòn xưa. Chính vì vậy mà Trần Quới mới có biệt hiệu là “Lác chảy” theo tiếng Quảng Đông có nghĩa là “đứa con trai”. Bạn bè rất thích gọi biệt danh này, mà Trần Quới thì không bao giờ tỏ ra khó chịu hay phản đối, bởi bản thân Quới không hề bị tí lác nào.
Với dáng tầm thước, gương mặt sáng láng, đôi mắt hơi nhỏ nhưng linh động, thông minh khiến Trần Quới có vẻ điển trai là đàng khác. Quới suy nghĩ tính toán các nước cờ cực kỳ nhanh lẹ. Đặc biệt trong những thế cờ căng thẳng, Quới luôn tìm được nước đi chính xác nhằm củng cố thế trận mình và gây lung túng cho đối phương.
Danh thủ Trần Quới những năm thời còn trẻ
Hình ảnh: Võ lâm Nhị Ác – Lê Thiên Vị (bên trái) và Lê Nhất trí hiện nay
Tài năng bộc phát
Ngay từ thời nhỏ, Trần Quới đã thường xuyên xem cha mình đánh cờ và đã sớm bộc lộ tài năng thiên bẩm. Trần Quới vào đời rất sớm, chỉ 11 hay 12 tuổi đã cầm con cờ kiếm sống. Năm 1974 khi danh thủ Hongkong là Lê Huệ Đông sang nước ta giao hữu với 4 danh thủ Sài gòn lúc đó (Lê Văn Tám, Phạm Thanh Mai ,Phạm Tấn Hòa, Trần Đình Thủy) thì bên lề, danh thủ Hongkong này cũng có đánh độ với Trần Quới. Lúc bấy giờ Lê Huệ Đông chấp Trần Quới 2 tiên, kết quả Trần Quới thắng. Sau 1975, Trần Quới đã đạt đến trình độ cao thủ hạng nhất, đủ khả năng đánh phân tiên với Phạm Tấn Hòa (là quán quân giải toàn thành 1976).
Sự nghiệp
Mẹ của Quới là người Kinh, do hoàn cảnh rất nghèo, Quới phải bỏ học từ năm lớp 8 để đi giang hồ kiếm sống bằng nghiệp đánh cờ của cha. Trần Anh Minh chủ yếu dẫn con ra song cờ cho nó chạy chơi quanh quẩn, còn bản thân ông bố tìm người “cáp độ” rồi mãi miết đánh cờ có dạy gì đâu. Nhưng từ khi biết cái hay của cờ, Trần Quới tự mày mò theo dõi, học tập và thỉnh thoảng về nhà mới hỏi cha vài chổ khó mà thôi.
Khi tham gia giải toàn thành 1977 (20 tuổi), Trần Quới lại thua Lý anh Mậu, không vào được 8 hạng đầu. Sang năm 1978, Trần Quới mới có được thành tựu ban đầu là vô địch giải toàn thành (TPHCM) lúc ông 21 tuổi. Trận chung kết với danh thủ Hứa kim Thành (còn gọi Tiều Nam vang) diễn ra giằng co đến ván thứ 5 thì Trần Quới mới thắng được đối thủ trong một ván cờ kéo dài 123 nước.
Mãi mãi một huyền thoại
Anh được trời phú cho một tư duy chơi cờ hơn hẳn người thường. Sức cờ của anh ở bậc thượng thừa Việt Nam ở giai đoạn lúc bấy giờ và anh tự tin tuyên bố khả năng của Hồ Vinh Hoa chấp anh tối đa là nửa nước (hai ván anh đi tiên, một ván anh đi hậu) mặc dù anh chưa gặp Phượng hoàng bất tử – Hồ Vinh Hoa.
Anh ra kèo chấp khá nặng vì anh quan niệm sức cờ chỉ bộc phát tối đa khi chơi những kèo chấp nặng. Lối cờ anh nhiều biến hoá và thật khó lường. Anh chính là một trong những niềm tự hào của lịch sử cờ tương Việt Nam.
Khẳng định vị trí kỳ thủ số 1 làng cờ Đất Phương Nam
Lần đầu tiên Quới chính thức xuất hiện trước làng cờ là năm 1977 tại giải Mừng Xuân. Lúc đó Quới đúng 20 tuổi và mặc dù tại giải này Quới không thành công nhưng để lại một dấu ấn sâu sắc. Ngay 2 ván thua danh kỳ Lý Anh Mậu cũng là 2 ván cờ lịch sử đầy kịch tính, vừa chứng tỏ sự thông minh của Quới vừa cho thấy sự non kém, thiếu kinh nghiệm của con tuấn mã vừa mới trưởng thành.
Không phải đợi lâu, ngay giải Mừng Xuân năm sau 1978, Quới đã vươn mình lớn nhanh như Phù Đổng, dũng mãnh đè bẹp quần hùng, đoạt chức vô địch một cách oanh liệt. Rồi liên tiếp các năm sau, Trần Quới luôn khẳng định vị trí số một của mình tại các giải lớn nhỏ của thành phố. Những danh kỳ lỗi lạc một thời như Phạm Thanh Mai, Hứa Kim Thành, Trần Đình Thuỷ và Phạm Tấn Hoà đều phải nhường bước cho tuổi trẻ tiến lên. Vì ngay năm 1979, tại giải các Danh Thủ hàng đầu của Thành phố, Trần Quới chiếm giữ ngôi quán quân một cách thuyết phục trước các đàn anh.
Bá đạo giang hồ
Thời kỳ những năm 1978-1979 Quới mạnh dạn đi giang hồ từ các tỉnh thành miền nam ra các tỉnh miền trung. Bất cứ nơi nào có tay cờ nổi tiếng, Quới đều tìm kiếm khiêu chiến. Các cao thủ miền trung nổi tiếng lúc bấy giờ như Nguyễn Thọ Phú tức Xí (Nha Trang), Nguyễn Minh Trưng (Bình Định), Phan Hiền Khánh (Phan Thiết), Hà Hồng Quan (Mỹ Tho) … đều đã so tài và tất cả đều là bại tướng của Trần Quới.
Danh thủ Phan Hiền Khánh của Phan Thiết là tay cờ nhiều năm đoạt vô địch tại địa phương này xưa nay chưa hề lùi bước trước bất cứ cao thủ nào ở suốt dải miền trung. Thế mà khi gặp Trần Quới, anh bị đánh bại liên tục để cuối cùng Trần Quới phải chấp anh 1 Mã mà anh vẫn thua!
Sau này Phan Hiền Khánh nhớ lại và nói với bạn bè : “Trong cuộc đời chơi cờ của tôi, người mà tôi khâm phục nhất là Trần Quới. Vào thời kỳ tôi sung sức thì dù các danh thủ như Phạm Thanh Mai, Phạm Tấn Hoà …. Chưa ai có thể chấp nổi tôi 3 tiên. Thế nhưng thằng nhóc “Lác Chảy” chấp tôi 1 Mã, thì thử hỏi có tức không? Tổng kết lại, tôi vẫn còn lỗ nhiều. Mà càng tức, càng chơi thì càng thua. Thật là lạ!”
Trong tình thế hoàn toàn bị ép (vì chấp cờ), Trần Quới vẫn có nhiều nước điều quân quân phòng thủ khéo léo, đồng thời trực chờ và tự tạo cơ hội để đánh trả. Khả năng sửa cờ và công sát của Trần Quới quả thật đã đạt đến trình độ siêu đẳng. Chỉ tiếc là các ván cờ loại này không có ai ghi chép lại.
Kết nghĩa kim lan
Vào một buổi hẹn ông Trí đến nơi hội ngộ và phát hiện đây chính thật là Lê Thiên Vị (đặc điểm nhận dạng là ngón tay cái có tật. Nếu là tay quái kiệt này thì trình độ phải hơn Trí đến 3 nước tiên). Chẳng nói chẳng rằng, ông lôi bàn cờ ra và đi liền 3 nước tiên. Đối thủ ngạc nhiên nhưng rồi chợt hiểu, phì cười mà rằng: “Biết tui là ai rồi hả?”. Hai người kết nghĩa từ đó. Nhất Ác Lê Thiên Vị nổi danh với việc đánh hay, nhưng giả dạng trí thức để lấy tiền thiên hạ.
Về sau, Trần Quới (tức Lác Chảy, vô địch 11 năm liên tục) góp mặt, dĩ nhiên cũng phải qua hàng chục ván đấu cờ độ cùng với nhóm của Vị và Trí, họ kết nghĩa huynh đệ và biệt danh “Giang Hồ Tam Ác“ ra đời từ đấy. Ông Trí cho biết: “Thật ra ngôi thứ chỉ là phân cấp theo tuổi tác chứ về đẳng cấp thì Trần Quới đứng đầu, nhì là anh Vị. Tôi thì được anh em nể ở tài mưu lược và chiến thuật… gài độ”. Ông Trí thừa nhận đó là thời điểm sống không lý tưởng, nhưng tình nghĩa anh em quả là “tình thân như thủ túc”.
Tam sát chốn Cờ Độ Sài Thành
Khoảng năm 1980, “Song kiếm hợp bích” Lê Nhị Trí – Trần Quới ra giang hồ và được Thập Tam tìm đến. Lúc này, có cao thủ Hồng “quán trọ” mới ngoài Bắc vô đòi sới độ với Thập Tam để đánh lớn. Thập Tam sức cờ yếu, thua Hồng “quán trọ” khoảng một nước rưỡi, bèn nhờ “nhị sát”. Cuộc đấu được diễn ra ở một căn nhà yên tĩnh.
Ông Trí nhớ lại: “Hồng “quán trọ” cực kỳ khôn ngoan, đánh cờ chỉ cho hai người vô phòng. Trước lúc đánh ổng cũng đi một vòng kiểm tra trần nhà, bức vách xem có bị hở khe nào không”. Phải đợi cho hai bên đang say máu thì “nhị sát” mới lẻn vô phòng sát bên. Trần Quới phải khẽ khàng trèo lên cao, nhìn qua bức vách để xem thế trận. Ở bên dưới, ông Trí mới luồn qua đáy bức vách một sợi dây. Chờ lúc Hồng “quán trọ” mất cảnh giác, Thập Tam ngoắc đầu sợi dây vô ngón chân cái. Thế là Trần Quới ở trên cao “morse – đánh tiếng” xuống cho ông Trí, ông Trí lại giật dây “morse” sang cho Thập Tam. Trận đó thắng lớn, sau này Hồng “quán trọ” mới biết chuyện. “Đi dạo gặp nhau, ổng chỉ mặt tụi tôi là ba con vịt ( Lê Thiên Vị, Lê Nhị Trí, Trần Quới) khôn nhất Sài Gòn!”, “Nhị ca” nhớ lại.
Cũng phải nhắc lại rằng vào những thập niên 70 – 80, vùng Sài Gòn – Chợ Lớn có nhiều ông chủ Việt, nhiều “xì thẩu” người Hoa giàu có và rất mê cờ tướng, thích chơi độ lớn. Đây có thể coi là “nguồn thu” chủ yếu của giang hồ cờ độ. Chưa kể nhiều đại phú miệt đồng bằng sông Cửu Long cũng xách tiền xuống Sài Gòn, tìm gặp đánh độ với các “kỳ vương”. Tất nhiên là họ thua nhiều nhưng ông Trí lý giải: “Mấy ổng vẫn thích gặp tụi tôi, có người coi đánh độ là học hỏi, có người lại coi được đánh với Trần Quới là vinh dự, cũng có người mê quá, thua rồi ghiền, đòi đánh hoài”.
Thiên tài bạc mệnh
Vì không cân đối được bài toán thu – chi, nợ nần quá nhiều (khoảng 5 lượng vàng), Trần Quới đã quyết định vượt biên vào một ngày hạ tuần tháng 7/1988. Chuyến đi đó đã lấy mất của làng cờ Việt nam một thiên tài trăm năm có một. Trần Quới chính là điển hình rõ ràng cho cái mà người ta hay nói là “có tài mà không gặp thời“. Hay là… ông trời khi ban cho một người cái này thì ngài lại lấy đi cái khác. Có người nói: “Sự khôn ngoan giúp ta tồn tại, đam mê giúp ta sống”. Danh thủ Trần Quới đã sống 31 năm trọn vẹn với niềm đam mê của mình, dù sao cũng hơn là tồn tại vật vờ, kể ra cũng không uổng một kiếp người…
Những trận cờ để đời
Rất nhiều ván đấu hay của Trần Quới không được ghi lại, tuy nhiên nhiều ván trong giải vô địch thành phố và giải quốc gia đều có, sau đây mình xin chia sẻ lại một số ván tiêu biểu.
Video ván cờ hay
Kịch chiến Trần Quới vs Trềnh A Sáng
Trong sự phát triển cờ tướng Việt Nam giai đoạn hiện đại, Trềnh A Sáng là một tượng đài với bảy lần lên ngôi Vương tại giải vô địch quốc gia. Phong cách cờ là sự kết hợp giữa nghiên cứu sâu sắc từng thế trận với chất giang hồ, Hà Chảy đã gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp thi đấu của mình.
Trong giới cờ tướng nước nhà, Túy Kỳ Tiên Trềnh A Sáng kết hợp cùng Trương Á Minh và Đào Quốc Hưng tạo nên bộ ba Xe – Pháo – Mã huyền thoại. Nếu ví Bạch Mi Ưng Vương Trương Á Minh là một thiết giáp Xa, Đào Công Tử Đào Quốc Hưng là tuấn Mã thì Trềnh A Sáng được ví như một khẩu thần công.
Nguồn : Bigkool